Phụ phẩm biogas làm phân bón
Theo kết quả nghiên cứu từ Dự án chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam, phụ phẩm khí sinh học có 2 dạng: nước thải lỏng, gồm các chất hòa tan, lơ lửng thường xuyên được đẩy ra ngoài với số lượng bằng lượng phân và nước thải nạp vào công trình hàng ngày và bã phân đặc, là phần lắng đọng ở đáy bể biogas được định kỳ lấy ra.
Cả 2 dạng phụ phẩm đều có thể sử dụng bón trực tiếp cho cây trồng hoặc phối trộn với các loại nguyên liệu hữu cơ khác để chế biến thành các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh… giàu dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng rất có giá trị. Căn cứ đặc tính của từng loại phụ phẩm, người ta thường dùng loại nước thải dạng lỏng để bón thúc, dạng bã phân đặc để bón lót. Ngoài ra, cả 2 dạng lỏng và bã đặc có thể được sử dụng như một loại men phối trộn trong quá trình chế biến các loại phân hữu cơ khác. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi giới thiệu tóm tắt qui trình sử dụng các phụ phẩm từ hầm biogas để bón cho cây lúa của nhóm nghiên cứu thuộc Dự án chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam:
1. Bón lót: Chủ yếu sử dụng loại bã cặn đặc được lấy định kỳ từ hầm boigas để bón lót ngay hoặc sau khi đã được ủ cùng với các loại phân hữu cơ, vô cơ khác. Đây là loại phân giàu dinh dưỡng, chứa nhiều đạm, có tác dụng cung cấp dinh dưỡng lâu bền cho cây lúa. Nếu không có các loại phân hữu cơ khác thì nên bón ở mức 10-15 tấn/ha (500-700 kg/sào) hoặc 5-7 tấn/ha (250-350 kg/sào) trong trường hợp có sử dụng các loại phân bón hữu cơ khác. Thời gian bón lót tốt nhất là rải đều lên mặt ruộng rồi cày vùi, làm đất ngay để tránh thất thoát đạm do bốc hơi và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân hủy các chất hữu cơ còn sót lại trong bã cặn.
2. Bón thúc: Sử dụng chủ yếu là dạng lỏng để bón thúc trực tiếp vì là loại phân bón có chứa nhiều chất dinh dưỡng hòa tan, cây lúa có thể hấp thu trực tiếp ngay. Thời gian bón thúc tốt nhất vào 2 giai đoạn: trước khi đẻ nhánh để giúp cây lúa đẻ nhánh tập trung, đạt được nhiều nhánh hữu hiệu nhất và bón vào lúc cây lúa làm đòng, nuôi đòng với lượng từ 10-20 m3/ha phụ phẩm lỏng (0,4-0,7 m3/sào), pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:1. Sau khi bón thúc xong cần làm cỏ sục bùn ngay để cây lúa dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng từ phân bón.
Ngoài ra có thể sử dụng phụ phẩm dạng lỏng để phun trực tiếp lên lá giúp cây lúa sinh trưởng nhanh, phát triển tốt như một loại phân bón qua lá. Cách làm như sau: Dùng vải lọc để loại hết cặn bã rồi để cho nước lắng đọng một lúc rồi đổ phần nước trong vào bình phun và phun đều lên mặt lá (có thể pha thêm nước lã tùy độ đậm đặc của phân dạng lỏng).
3. Bón phối hợp với phân vô cơ: Mục đích của việc sử dụng phụ phẩm biogas bón kết hợp với các loại phân vô cơ nhằm bù đắp sự thiếu hụt chất dinh dưỡng cho cây trồng trong khi các loại phụ phẩm này chưa kịp cung cấp; làm tăng độ hòa tan và khả năng hấp thu phân bón hóa học của đất; hạn chế sự suy giảm chất dinh dưỡng, tăng hiệu suất sử dụng phân bón lên 10-30%; thúc đẩy hoạt động của vi sinh vật, giúp đất tơi xốp, không bị “chai” do bón nhiều và liên tục phân hóa học, góp phần bảo vệ và cải tạo đất rất tốt.
theo NNVN